Mảnh trăng lưu lạc

Một tư tưởng, một cảm xúc méo mó có đáng lên án nếu tư tưởng và cảm xúc đó không biến thành hành vi sai trái?

15 năm trước, Saeki Fumi, một sinh viên 19 tuổi, gặp Kanai Sarasa 10 tuổi ở công viên trong cơn mưa rào. Có cảm giác em không có hoặc không muốn về nhà, cậu mời em về nhà cậu. Khi khám phá ra Fumi mất tích, cảnh sát truy tìm và buộc cho Fumi tội bắt cóc trẻ em, Sarasa bị trả về với gia đình dì (nơi em đã cố tình bỏ đi vì những nguyên nhân phim sẽ giải thích). 15 năm sau, Sarasa – nay đang chung sống với bạn trai – gặp lại Fumi và muốn quay lại với anh.

“Tư tưởng méo mó” mà phim đề cập đến là một vấn đề rất nhạy cảm, nếu chỉ là xu hướng giới tính/tính dục, có lẽ hầu hết chúng ta sẽ đều đồng ý (dù có cổ vũ hay phản đối trên phương diện pháp luật) đó là những vấn đề cá nhân, không ảnh hưởng đến xã hội và những người không liên quan. Nhưng vấn đề trong phim lại không đơn giản như vậy, mà là một xu hướng có lẽ hầu hết sẽ cho là sai, nhưng nếu đó chỉ là trong tư tưởng, không phải trong hành động, thì người ta có thể bị định tội, bị phán xét vì nó?

Tôi không rõ câu trả lời, tuy đạo diễn có vẻ thiên về hướng không thể định tội người ta khi nó chỉ là tư tưởng và suy nghĩ. Dù vậy phim vẫn tôn trọng người xem, tả chứ không kể, các nhân vật phụ dù có đáng ghét đều có một câu chuyện riêng nên khi xem không có cảm giác đang bị dắt mũi. Với tôi, phim là câu chuyện của hai cá thể không hòa hợp được với xã hội và tìm thấy nhau trong nỗi cô đơn chơi vơi của họ, khoan bàn đến chuyện xu hướng của họ là đúng hay sai theo tiêu chuẩn “bình thường”.

Không nhớ có cảnh nào trăng tròn không, nhưng rất thích những cảnh trăng bị mây che,
như Fumi và Sarasa lẩn tránh những người xung quanh và cả xã hội

Nhưng dù tư tưởng có không biến thành hành động, dù Fumi “chẳng làm gì cả”, thì một người “bất thường” vẫn rất khó sống trong bất kỳ xã hội nào, nhất là ở một đất nước xem trọng nề nếp, luật lệ và “mặt mũi” như xã hội Nhật. Wandering không phải là phim đầu tiên và cũng sẽ không là phim cuối cùng chạm đến mặt trái của văn hóa Nhật, khi khác người là một tội ác, từ những khác biệt nhỏ nhặt nhất chứ chưa cần đến chuyện kinh thiên động địa như hai nhân vật trong phim đã trải qua. Cũng như Chí Phèo từng nói, Ai cho tao lương thiện, thì suốt phim Fumi không hề biểu lộ cảm xúc dù khi bị chửi bới khinh khi, cho đến đỉnh điểm cuối phim khi bị cảnh sát bắt vì một chuyện quá-không-liên-quan, mới phải gào lên, Thả tôi ra! như thể muốn hỏi một câu tương tự, Tôi chẳng làm gì cả, tại sao không tha cho tôi được sống?

(Có “làm gì” không thì tùy theo cảm nhận của mỗi người ha)

Phim tròn trịa, dù chưa xuất sắc. Tuy không xếp vào những phim yêu thích nhưng (dù không đồng ý với quan điểm của đạo diễn) tôi trân trọng cố gắng của phim khi đặt ra câu hỏi, tình yêu (tạm gọi là vậy) méo mó có đáng trách, khi nó chẳng làm hại ai? Hay tình yêu đó, cách đối xử đó bản thân nó đã là sai, đã ảnh hưởng sai đến Sarasa, nên dù có “không làm gì”, đó đã là điều đáng lên án?

Tôi nghĩ ai cũng có công lý của riêng mình và pháp luật chỉ là một loại công lý được xã hội đồng tình và công nhận, nên ai đúng ai sai, mỗi người phải có câu trả lời riêng.

Phim quay đẹp, thời lượng hơi dài so với những phim khác nhưng 2 tiếng rưỡi trôi qua không hề có cảm giác lê thê. Các diễn viên đóng tròn vai, vai của Tori có lẽ đòi hỏi rất nhiều nghị lực để nhập vai, nhưng biểu cảm không hẳn là khó. Vai của Suzu nếu không khéo sẽ dễ rơi vào cách diễn gào thét quá lố bi kịch quá đà, nhưng em đã diễn tả được một Sarasa mong manh nhưng kiên định (hoặc theo một số khán giả là cứ tiếp tục sai hết lần này đến lần khác, tôi thì không thấy thế :))) Thích nhất là đoạn chuyển cảnh dồn dập giữa hiện tại và quá khứ của Sarasa, cả nhạc cả các cảnh quay khiến người xem (này) có cảm giác khó thở ngột ngạt. Ngày xưa bơ vơ lạc lối, bây giờ cũng vậy. Những khi đó, người cho cô nghị lực đi tiếp là Fumi 🙂

Kết phim vừa đủ hợp lý, có một chút lạc quan khi Fumi và Sarasa chấp nhận cuộc sống là như thế và tiếp tục đi theo con đường của họ. Có thể đó là một mối quan hệ độc hại, một sự đồng phụ thuộc hay cộng sinh, nhưng bảo họ đồng phụ thuộc vào nhau thì cũng phải hỏi lại, ngoài người kia ra có còn ai khác chấp nhận họ?

Rurou no tsuki (Wandering hay The Wandering Moon), đạo diễn Lee Sang-il. Đã có Futari làm sub.

*Nói thêm một chút về đột biến gene Klinefelter: đi tìm hiểu một chút về bệnh này thì có thấy một vài nghiên cứu (không nhiều) cho thấy có không ít những người mang hội chứng Klinefelter có xu hướng ái nhi, nhưng không phải là đa số, và biết rằng phim dựa tiểu thuyết (cùng tên) nhưng lý do vì bệnh Klinefelter mà có xu hướng đó tạo cảm giác như phim/truyện đang bào chữa cho Fumi, dù theo tôi thì nhân vật không cần bào chữa (vì dù có vì đột biến gene đi nữa thì cũng không nên dùng lý do đó để xét đúng sai về mặt đạo đức).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: