Gia đình trên núi có cha mẹ, Michiru, bà nội, và anh họ Eisuke – con trai chị của bố Michiru. Người chị ấy không xuất hiện trong phim nhưng qua lời kể của mọi người, dường như đã bỏ Eisuke lại cho em trai và mẹ mình mà bặt vô âm tín. Gia đình Michiru sống trong làng hẻo lánh, muốn đến trường phải đi rất lâu mới đến trạm xe bus (mà thường thì Eisuke sẽ chở Michiru bằng xe máy ra trạm xe bus). Cuộc sống trôi đi chầm chậm, chầm chậm, cho đến một ngày…
Ở nơi thâm sơn cùng cốc, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy mống, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi có những tình cảm phức tạp nảy sinh – tình cảm Eisuke dành cho mợ, cũng như của Michiru dành cho Eisuke. Nhưng Kawase không có hứng thú với việc phát triển những tình cảm “ngăn cấm” này, nên dù có những con sóng trong lòng thì mặt nước lúc nào cũng tĩnh lặng. Như núi rừng, như làng quê của họ vậy.

Nhà của Michiru đối diện là núi rừng. Sáng sớm mở cửa ra, bạt ngàn núi rừng. Buổi tối đóng cửa lại, bên ngoài cũng chỉ có tiếng ve kêu khi vào hạ, tuyệt nhiên không có hàng xóm, nhà đối diện, hay ánh đèn leo lắt ở bất cứ đâu. Và mỗi lần mẹ hoặc bà hoặc cả nhà Michiru ngồi nhìn ra ngoài cửa, có cảm giác như thế giới là núi rừng, và núi rừng là thế giới (hoặc là bàn tay Như Lai?) chẳng cách nào thoát ra được. Một màu xanh bát ngát như nuốt trọn họ, trong thinh lặng, trong cô quạnh, trong đường hầm tối mù không thấy ánh sáng lối ra.
“Thiên nhiên” và “miền quê” chỉ “đẹp”, “hiền hòa”, “bình yên”, khi người ta có thể chọn đến và đi bất cứ lúc nào. Còn khi đó là sự lựa chọn duy nhất, người ta có thể đứng giữa núi rừng hùng vĩ thông xanh bạt ngàn mỹ lệ mà gào thét xin được thoát khỏi mênh mông bình yên. Chỉ xem phim thôi chứ chưa cần sống thử mà đã thấy thiên nhiên hoang dã sao quá ngột ngạt, xem hoài vẫn cứ một màu xanh đeo bám, vậy chắc đạo diễn đã thành công?

Mình xem Suzaku ngắc ngoải cả tháng trời (mỗi ngày xem 15-20 phút, mỗi tuần đem ra xem vài lần) dù phim không dài lắm, cái cảm giác “trời ơi sao xem hoài không hết” có lẽ cũng giống cảm giác của các nhân vật trong phim, đi bộ mãi mà xanh vẫn hoàn xanh chứ chẳng thấy phố xá đô thị đâu 😀 Phim rất đẹp nhưng có những cảnh quay hơi dài quá mức cần thiết (đối với mình), và mình biết Kawase chủ yếu chọn người thường đóng chứ không chọn diễn viên chuyên nghiệp (trừ bác Kunimura Jun và Ono Machiko – hình như đây là phim đầu tiên của chị?) để tạo hiệu ứng chân thật như phim tài liệu cho phim, nhưng cũng vì vậy mà có những đoạn diễn viên diễn hơi bị gượng, nhất là nhân vật mẹ Michiru, nhiều khi chị nhìn về phía xa xăm mà mình có cảm tưởng chị đang làm theo lời của đạo diễn, “hãy nhìn lên trần nhà” :)) Nếu phim ra mắt năm 2023 chắc chắn mình sẽ nghĩ Kawase đang châm biếm trào lưu “đi về miền quê” của thế hệ mình và những đứa con thành thị như mình, nhưng không, phim làm năm 1997, khi kinh tế đi xuống và người ta phải rời xa làng quê kiếm miếng cơm manh áo. Đặt vào hoàn cảnh đó chỉ cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng vô bờ.

Nhưng dù vậy, cuộc sống vẫn chảy trôi. Cách Kawase làm phim khiến mình nhớ tới câu shouganai của người Nhật. Cuộc sống là thế. Chẳng làm sao khác được. Từ bi kịch trong phim (được nhắc đến nhẹ tênh như thể người ấy ban sáng đi chợ và không về nữa) cho đến sự ra đi của mọi người – tất cả tất cả cứ thế chậm rãi diễn ra, ngày tháng trôi qua, chẳng có gì cả – mà thật ra có biết bao điều không nói thành lời.
Ở cuối phim, mẹ và Michiru rời đi, chỉ còn bà và Eisuke ở lại. À không, thật ra, sẽ không còn ai ở lại. Eisuke đốt những mảnh giấy vụn, những trang sách còn sót lại – ai biết là của cậu anh hay của Michiru hay của chính mình – có lẽ để chuẩn bị chuyển đi. Tiếng ve hè về, tiếng bọn trẻ con hò reo nô đùa cũng chỉ còn lại trong giọng bà thều thào ngân nga, trôi theo giấc ngủ của bà về với núi rừng bạt ngàn tĩnh lặng.
Xem thêm thông tin của Suzaku và download phim phụ đề tiếng Việt ở Hội những người thích phim kinh điển. Rất cảm ơn các bạn tìm RAW / dịch / encode công phu.