Hôm nọ nghe Chỉ chừng đó thôi Duy Quang hát, mới chợt nhớ ra cả Duy Quang và Phạm Duy đã mất. Lúc nghe mẹ nói Duy Quang mất và ngay cả lúc mẹ nói Phạm Duy đã mất cũng không có cảm xúc gì nhiều, thật ra còn có thương cảm hơn cho Duy Quang vì DQ vẫn mới chỉ 60 ngoài, còn Phạm Duy nói chung đến tuổi đó, và ở trên đất quê nhà, xem như đã đến thời điểm chia tay đời phù du rồi.
Không buồn chút nào, bởi vì xưa nay chưa bao giờ hâm mộ Phạm Duy như hâm mộ một cá thể vĩ đại (qua những gì đọc được nghe được thì Phạm Duy là minh chứng rõ nhất cho cái chữ “người” cùng những sự sân si của nó :D); nhưng từ nhỏ đến lớn có lẽ mảng âm nhạc Việt mà tôi tìm được sự đồng cảm nhất vẫn là nhạc Phạm Duy. Màu sắc dân ca đằm thắm và tình yêu dân tộc dạt dào (ít ra trong âm nhạc của ông) là điều mà tôi – dù chưa bao giờ trải qua thời chiến hay ngay cả những loạn lạc hậu chiến – luôn cảm nhận được, cùng yêu mến và kính trọng. Con người của ông ra sao thì người đời có quyền mặc sức phán xét, nhưng riêng với tôi có một bài tình ca đẹp nhất mà tôi sẽ luôn nghe và tự hào hát thầm,
Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời
Tôi nghe nhạc Phạm Duy rất đơn giản, đơn giản bởi vì chẳng thấy ý nghĩa kêu gọi chính trị gì trong đó, chỉ cảm thấy tình cảm dành cho quê hương, cho mọi miền đất nước, chỉ đơn giản như là,
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng mến nhau
và
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở, như là đóa hoa
😀