Chọn ngày hôm nay

Sau gần 10 năm mình gặp lại bạn. Lần cuối xem phim bạn đóng là All Around Appraiser Q: Mona Lisa Eyes. Gần đây tự nhiên lại nhớ đến nụ cười của bạn dù chẳng xem mấy phim của bạn đâu, thế là hớn hở đi lục lọi tùm lum phim xem.

Với một phim có đề tài u ám như Perfect World, rất bất ngờ khi được xem bạn cười khá nhiều *tim bay vèo vèo*

“Trước khi gặp cậu, mình đã chấp nhận thực trạng mới. Sau khi gặp cậu, tự dưng ước được quay lại ngày xưa,
còn đi lại được trên hai chân, thế thì sẽ cùng cậu ngắm được nhiều cảnh đẹp lắm”.

Perfect World là phim truyền hình dựa manga cùng tên, kể về Ayukawa Itsuki và Kawana Tsugumi, hai người bạn cùng lớp thời cấp 3 sau nhiều năm gặp lại. Itsuki do tai nạn bị chấn thương tủy sống nặng nên đã liệt chi dưới (mất cảm giác từ hông trở xuống). Tuy phải ngồi xe lăn, Itsuki vẫn lạc quan sống và trở thành một kiến trúc sư thành công, còn Tsugumi vẫn chưa dám theo đuổi ước mơ thiết kế nội thất. Phim là hành trình cả hai cùng đối mặt với những trở ngại trong mối quan hệ của người không khuyết tật và khuyết tật để đến với nhau.

Mình rất trân trọng phim (manga?) khi không ngại ngần đưa ra những vấn đề người chấn thương tủy sống như Itsuki hay gặp phải trong cuộc sống hằng ngày (tùy mức độ/vị trí) như không thể kiểm soát tiểu tiện, đại tiện, lở loét dẫn đến nhiễm trùng huyết – những chi tiết không có gì là lãng mạn và có khi sẽ khiến khán giả thấy rùng rợn. Nhưng đó là thực tế của bệnh, và bất kỳ ai muốn yêu một người khuyết tật như thế cũng sẽ phải đối đầu với thực trạng này mỗi ngày, cho tới khi người bệnh qua đời.

Tựa bài lấy ý tưởng từ câu chuyện vợ chồng Takagi, anh chủ nhà hàng muốn nhờ Itsuki xây nhà mới vì nhà cũ không tiện cho người dùng xe lăn (vợ anh). Cũng như Itsuki, vợ anh bị bệnh dẫn đến liệt bán thân dưới (căn bệnh phim không nêu tên nhưng mình đoán là một dạng bệnh tự miễn như ALS, đa xơ cứng, v.v); khác với Itsuki, bệnh của vợ anh là bệnh thoái hóa (khi bệnh sẽ ngày càng nặng) nên khả năng rất cao tương lai chị sẽ không còn cử động được (chứ không chỉ liệt riêng phần thân dưới). Và đây cũng là một trong những đoạn mình thích nhất phim, khi anh chọn sống cho ngày hôm nay. Dù mai sau chị có ra sao, anh sẽ không sống vì một tương lai nào đó vô định. Hôm nay chị còn khỏe, còn có thể cười nói ăn uống, có thể dùng xe lăn di chuyển, thì anh sẽ tiếp tục trân trọng những giây phút khỏe mạnh. Anh sẽ không vì tương lai có-lẽ chị sẽ liệt giường, mà dẹp bỏ ước mơ xây nhà cho chị, ước mơ mở nhà hàng riêng của bản thân.

Chẳng ai biết tương lai sẽ ra sao. Có thể hôm nay ta đang khỏe mạnh, ngày mai đã không còn. Hôm nay đang chạy trên sân chơi bóng rổ, ngày mai sẽ… chơi bóng rổ bằng xe lăn. Nghĩ đến tương lai là điều khôn ngoan, nhưng phải chăng có khi ta nên sống cho hiện tại nhiều hơn một chút?

“Chỉ tình yêu thôi chẳng bao giờ đủ”.

Phim khắc họa những trở ngại của Itsuki và Tsugumi khá tốt, từ bệnh tình của Itsuki dẫn đến e ngại, hiểu lầm, đến việc gia đình Tsugumi không chấp nhận cho con yêu người khuyết tật vì “có ai muốn con mình phải khổ đâu?” Và không chỉ người ngoài cuộc, những người trong cuộc cũng có khổ tâm riêng: người không khuyết tật sẽ phải chăm sóc cho bạn đời mình, gánh nặng cả thể chất lẫn tinh thần ngày qua ngày có thể đến lúc không còn chịu được nữa. Ngược lại người khuyết tật tự ti mang cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng sự tồn tại của mình chỉ khiến bạn đời mình khổ sở thêm.

“Vất đi thì lại là xả rác à?” Tính quăng nhẫn xuống biển mà người ưa theo luật lệ lại sợ ô nhiễm biển vậy đó =))))))))))

Tiếc rằng đoạn giữa phim hơi bị lê thê khi hai anh chị cứ dùng dằng chia tay hay ở lại, cộng thêm những người thứ ba xen vào khiến mình có cảm giác mệt mỏi (ngược lại mình chưa bao giờ thấy mệt khi phim miêu tả khía cạnh bệnh tật/gia đình là trở ngại trong mối quan hệ, vì đó là những vấn đề rất thật). May thay hầu hết những người thứ ba (trừ chị y tá, mà nhân vật này cũng có động cơ dễ hiểu và logic, dù mình không ưa chị) đều rất dễ thương, từ người yêu cũ của Itsuki động viên Tsugumi “đừng bỏ cuộc như mình đã từng bỏ cậu ấy”, tới Hiro lớn lên cùng Tsugumi, luôn chăm sóc quan tâm ủng hộ cô, quyết liệt giành giật cô nhưng không bao giờ chơi xấu nha xD

Tựu chung lại là rất trân trọng phim đã cố gắng lột tả cuộc sống hằng ngày của những người chấn thương tủy sống và những khó khăn họ gặp phải, các diễn viên đều đóng tròn vai và tuyến nhân vật phụ được xây dựng khá chỉn chu, nhưng phần giữa phim khá lê thê và mạch phim chưa được mượt, cộng thêm nhiều bài diễn văn “tôi đã học được bài học XYZ” các bạn Nhật Bổn hay chuộng nên chưa thể gọi là phim rất hay. Thôi thì cho một phiếu khuyến khích bé ngoan xD

Kết lại với đoạn thoại mình thích nhất phim, khi Miki – người yêu cũ của Itsuki, đã chia tay anh sau khi anh gặp tai nạn dẫn đến chấn thương tủy sống – kể cho Tsugumi nghe những nỗi khổ tâm của mình:

– Cũng như gia đình cậu, cha mẹ mình phản đối không cho mình tiếp tục mối quan hệ sau khi cậu ấy gặp tai nạn.
– Vậy sao cậu không giải thích với cậu ấy?
– Có ích lợi gì đâu? Vì chính mình là người đưa ra quyết định cuối cùng bỏ cậu ấy.

Bởi, thế kỷ nào rồi, chúng ta hãy sống có trách nhiệm chút, đừng hở tí thì đổ tại cha mẹ/gia đình/xã hội blah blah he!

Mảnh trăng lưu lạc

Một tư tưởng, một cảm xúc méo mó có đáng lên án nếu tư tưởng và cảm xúc đó không biến thành hành vi sai trái?

15 năm trước, Saeki Fumi, một sinh viên 19 tuổi, gặp Kanai Sarasa 10 tuổi ở công viên trong cơn mưa rào. Có cảm giác em không có hoặc không muốn về nhà, cậu mời em về nhà cậu. Khi khám phá ra Fumi mất tích, cảnh sát truy tìm và buộc cho Fumi tội bắt cóc trẻ em, Sarasa bị trả về với gia đình dì (nơi em đã cố tình bỏ đi vì những nguyên nhân phim sẽ giải thích). 15 năm sau, Sarasa – nay đang chung sống với bạn trai – gặp lại Fumi và muốn quay lại với anh.

“Tư tưởng méo mó” mà phim đề cập đến là một vấn đề rất nhạy cảm, nếu chỉ là xu hướng giới tính/tính dục, có lẽ hầu hết chúng ta sẽ đều đồng ý (dù có cổ vũ hay phản đối trên phương diện pháp luật) đó là những vấn đề cá nhân, không ảnh hưởng đến xã hội và những người không liên quan. Nhưng vấn đề trong phim lại không đơn giản như vậy, mà là một xu hướng có lẽ hầu hết sẽ cho là sai, nhưng nếu đó chỉ là trong tư tưởng, không phải trong hành động, thì người ta có thể bị định tội, bị phán xét vì nó?

Đọc tiếp “Mảnh trăng lưu lạc”

Thật với chẳng giả

Dạ vâng, mình gần như chắc chắn đây là cái Oly PEN E-PL5 =))

Hai phim Nhật gần đây nhất (tức là mới sản xuất nhất) mà mình xem đều là xem trên máy bay (đây là xem trọn vẹn, chớ còn xem dở dang thì nhiều, như Tenchi meisatsu, Library Wars chẳng hạn *hắng giọng*). Một là Hidamari no Kanojou, phim này dễ thương nhưng ngặt cái mình không thể tưởng tượng được mặt bạn Jun trong vai nào khác trừ Domyouji Tsukasa, đầu phim mình còn tưởng đây là phim quảng cáo cho Olympus oo (dù sao thì mình dùng Olympus nên cũng không có vấn đề gì, nhưng mà có cần phải lộ liễu đến vậy không…) Và ngoại trừ việc Juri vẫn đóng hay, mặc đồ vẫn đẹp và cảnh cuối cảm động (à còn đoạn nam chính hỏi Mao là “Em đã ăn con Brian hả?” nữa, mình rất thích đoạn đó :))) thì mình hết còn nhớ phim nói gì rồi.

All appraiser Q

Screencap by ritsunodoramaland

Hai là phim All-Around Appraiser Q: The eyes of Mona Lisa. Phim này thuộc loại trinh thám nên mình không kỳ vọng nhiều vì không phải thể loại mình sẽ xem nếu không phải đang ở trên máy bay và không có gì khác để làm o,o Nhưng mà xem xong thì mình lại thấy phim hay hay :)) chắc tại vì dạo này chẳng xem được phim gì hay hết. Bí ẩn trong phim mình không nói ra đây sợ spoiler ha, nhưng kết thúc phim có một câu rất hay là, “Tôi không thể thẩm định  được trái tim của con người, nhưng tôi chắc chắn tình yêu chị dành cho nghệ thuật là thật.”

Đại khái trong phim chỉ có một bản Mona Lisa là thật (dĩ nhiên) và hàng tá các bản Mona Lisa giả, nhưng cho dù là những người sành sõi nhất cũng không thể biết được đâu là giả đâu là thật. Cũng như vậy, những kiến trúc có giá trị lịch sử còn giữ được đến ngày hôm nay đa phần đều phải trùng tu sửa chữa nếu không muốn nói là xây lại hoàn toàn, như trong trường hợp nhiều kiến trúc của Nhật phải xây lại từ cát bụi sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nhưng đâu phải vì người ta xây mới lại mà nó không còn giá trị nào nữa, phải không? Ngược lại, chính lòng kính trọng, cố gắng bảo tồn di tích lịch sử đó mới thật là đáng quý, chứ bản thân kiến trúc đó nhiều khi cũng chỉ có giá trị lịch sử vì nó… cổ mà thôi. Vậy thì giả hay thật, nhiều khi có quá quan trọng đến vậy không? 😀

Quay lại phim, phim có diễn biến không quá nhanh cũng không quá chậm, diễn viên cũng diễn rất vừa vai. Haruka quay lại vai dễ thương và… dễ chịu, rất hợp với phong cách của chị í 😀 Còn bạn Matsuzaka Tori là nam diễn viên trẻ mình thấy dễ thương hiếm hoi, cộng với Sato Takeru 😀 Phim tập trung vào đề tài phá án (và có thêm chút nghệ thuật nghệ gừng), còn khoản nam x nữ thì nhẹ nhàng theo y kiểu Nhật. Dù nhiều khi la lối là phim Nhật làm mình tức tối khoản này nhưng có khi mình lại thấy nhớ motiff nhẹ nhàng lãng xẹt đó 🙂

Nhưng mà suy đi tính lại thì, mình thấy trong cả hai người, không có ai là nhân vật chính hết á o,o

%d người thích bài này: