Và trong cô quạnh

Gia đình trên núi có cha mẹ, Michiru, bà nội, và anh họ Eisuke – con trai chị của bố Michiru. Người chị ấy không xuất hiện trong phim nhưng qua lời kể của mọi người, dường như đã bỏ Eisuke lại cho em trai và mẹ mình mà bặt vô âm tín. Gia đình Michiru sống trong làng hẻo lánh, muốn đến trường phải đi rất lâu mới đến trạm xe bus (mà thường thì Eisuke sẽ chở Michiru bằng xe máy ra trạm xe bus). Cuộc sống trôi đi chầm chậm, chầm chậm, cho đến một ngày…

Ở nơi thâm sơn cùng cốc, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy mống, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi có những tình cảm phức tạp nảy sinh – tình cảm Eisuke dành cho mợ, cũng như của Michiru dành cho Eisuke. Nhưng Kawase không có hứng thú với việc phát triển những tình cảm “ngăn cấm” này, nên dù có những con sóng trong lòng thì mặt nước lúc nào cũng tĩnh lặng. Như núi rừng, như làng quê của họ vậy.

Nhà của Michiru đối diện là núi rừng. Sáng sớm mở cửa ra, bạt ngàn núi rừng. Buổi tối đóng cửa lại, bên ngoài cũng chỉ có tiếng ve kêu khi vào hạ, tuyệt nhiên không có hàng xóm, nhà đối diện, hay ánh đèn leo lắt ở bất cứ đâu. Và mỗi lần mẹ hoặc bà hoặc cả nhà Michiru ngồi nhìn ra ngoài cửa, có cảm giác như thế giới là núi rừng, và núi rừng là thế giới (hoặc là bàn tay Như Lai?) chẳng cách nào thoát ra được. Một màu xanh bát ngát như nuốt trọn họ, trong thinh lặng, trong cô quạnh, trong đường hầm tối mù không thấy ánh sáng lối ra.

“Thiên nhiên” và “miền quê” chỉ “đẹp”, “hiền hòa”, “bình yên”, khi người ta có thể chọn đến và đi bất cứ lúc nào. Còn khi đó là sự lựa chọn duy nhất, người ta có thể đứng giữa núi rừng hùng vĩ thông xanh bạt ngàn mỹ lệ mà gào thét xin được thoát khỏi mênh mông bình yên. Chỉ xem phim thôi chứ chưa cần sống thử mà đã thấy thiên nhiên hoang dã sao quá ngột ngạt, xem hoài vẫn cứ một màu xanh đeo bám, vậy chắc đạo diễn đã thành công?

Mình xem Suzaku ngắc ngoải cả tháng trời (mỗi ngày xem 15-20 phút, mỗi tuần đem ra xem vài lần) dù phim không dài lắm, cái cảm giác “trời ơi sao xem hoài không hết” có lẽ cũng giống cảm giác của các nhân vật trong phim, đi bộ mãi mà xanh vẫn hoàn xanh chứ chẳng thấy phố xá đô thị đâu 😀 Phim rất đẹp nhưng có những cảnh quay hơi dài quá mức cần thiết (đối với mình), và mình biết Kawase chủ yếu chọn người thường đóng chứ không chọn diễn viên chuyên nghiệp (trừ bác Kunimura Jun và Ono Machiko – hình như đây là phim đầu tiên của chị?) để tạo hiệu ứng chân thật như phim tài liệu cho phim, nhưng cũng vì vậy mà có những đoạn diễn viên diễn hơi bị gượng, nhất là nhân vật mẹ Michiru, nhiều khi chị nhìn về phía xa xăm mà mình có cảm tưởng chị đang làm theo lời của đạo diễn, “hãy nhìn lên trần nhà” :)) Nếu phim ra mắt năm 2023 chắc chắn mình sẽ nghĩ Kawase đang châm biếm trào lưu “đi về miền quê” của thế hệ mình và những đứa con thành thị như mình, nhưng không, phim làm năm 1997, khi kinh tế đi xuống và người ta phải rời xa làng quê kiếm miếng cơm manh áo. Đặt vào hoàn cảnh đó chỉ cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng vô bờ.

Nhưng dù vậy, cuộc sống vẫn chảy trôi. Cách Kawase làm phim khiến mình nhớ tới câu shouganai của người Nhật. Cuộc sống là thế. Chẳng làm sao khác được. Từ bi kịch trong phim (được nhắc đến nhẹ tênh như thể người ấy ban sáng đi chợ và không về nữa) cho đến sự ra đi của mọi người – tất cả tất cả cứ thế chậm rãi diễn ra, ngày tháng trôi qua, chẳng có gì cả – mà thật ra có biết bao điều không nói thành lời.

Ở cuối phim, mẹ và Michiru rời đi, chỉ còn bà và Eisuke ở lại. À không, thật ra, sẽ không còn ai ở lại. Eisuke đốt những mảnh giấy vụn, những trang sách còn sót lại – ai biết là của cậu anh hay của Michiru hay của chính mình – có lẽ để chuẩn bị chuyển đi. Tiếng ve hè về, tiếng bọn trẻ con hò reo nô đùa cũng chỉ còn lại trong giọng bà thều thào ngân nga, trôi theo giấc ngủ của bà về với núi rừng bạt ngàn tĩnh lặng.

Xem thêm thông tin của Suzaku và download phim phụ đề tiếng Việt ở Hội những người thích phim kinh điển. Rất cảm ơn các bạn tìm RAW / dịch / encode công phu.

Mùa hè đã mệt

Tôi nghĩ khi người ta còn đi học, có rất nhiều những ký ức đáng nhớ nhất của tháng năm được ghi lại vào mùa hè. Có hè vui vẻ, thảnh thơi lười biếng không làm bài để rồi sắp đến năm học thì quắn đít chạy xô. Có hè ngậm ngùi chuyển trường, bạn cũ chưa kịp chia tay đã lo âu không biết trường mới bạn mới như thế nào. Cũng có những hè âu lo vì chuyển cấp hay mất ngủ vì ôn thi vào đại học. Và có những hè là thời gian chán chường nhất – thi rớt, việc không có, ăn không ngồi rồi “học lại” để thi lại. Mùa hè gặp Takashi của Sakuko, là một hè như thế.

Một mùa hè biếng nhác, mang tiếng đến nhà bác ở một thị trấn nhỏ ven biển để ôn thi nhưng học thì ít mà trốn học đi chơi thì nhiều. Học sao cho nổi, khi thị trấn buồn ngủ ấy bề ngoài chẳng có gì xảy ra, nhưng ẩn đằng sau nhịp sống bình lặng là bao nhiêu bí mật (nho nhỏ), những mối quan hệ rối bòng bong, những giận hờn giấu kín vì ngày thường ai cũng cười cười nói nói để tiếp tục sống trong hòa bình giả tạo, để rồi một đêm say mèm chiến sự bùng nổ, mọi người quát tháo chỉ trích vạch mặt nhau (Sakuko vẫn ngồi xem và mỉm cười).

Đọc tiếp “Mùa hè đã mệt”

Sang sông

vlcsnap-2017-06-30-12h05m58s222

Ta thà ở lại đây làm kỹ nữ để mỗi ngày được gặp chàng, còn hơn chạy trốn để cả đời này không thể gặp chàng nữa.

Đọc tiếp “Sang sông”

Bốn mùa khói bếp

bon-mua

Cảm giác đầu tiên sau khi xem xong Komori: Fuyu & Haru (hay, “Khu rừng nhỏ: Đông & Xuân”), là thèm hương vị của cua đồng.

À không, không có cua đồng nào trong phim đâu, vì phim làm về những hương vị đặc trưng của vùng Tohoku ở Nhật, còn mùi vị cua đồng mà tôi thèm được nếm lại là hương vị trong các món ăn dân dã của người Việt Nam. Thuở nhỏ là canh cua nấu rau đay, rồi lớn hơn một chút bánh đa cua, tất cả đều là những món có cua đồng mà bà nội tôi từng nấu. Bà tôi nêm nếm thất thường lại thích nhiều dầu mỡ nên đa phần các món bà nấu không hợp gu tôi lắm, nhưng những món nấu với cua đồng thì không ai bằng bà. Mùi cua mang mùi đất, hòa với rau đay thái thật nhuyễn hay với vị cà chua, thêm nước mắm (nêm rất mạnh tay:))) nồng nàn đều là những hương vị tôi nhớ nhung khi dạ dày lên tiếng.

Cho nên tôi thích phim, không hẳn vì cảnh quay thật đẹp hay vì kiểu làm phim giản dị nhưng tinh tế, hay là khái niệm thời gian trôi qua vẻ đẹp bốn mùa vân vân và vân vân của người Nhật, mà vì khi xem nó, tôi chợt nhớ đến những điều bé nhỏ thân quen tưởng đã quên nhưng vẫn luôn hiện diện đâu đó quanh mình.

(Thật ra chưa xem phần Hạ & Thu nhưng nghĩ nó cũng gần gần như thế này :D)

Phim này torrent ở đâu đó (rutracker có nè). Hoặc có thể vào JPN down (nếu link hỏng xin liên lạc mình nhé :p)

“Mình vẫn ở đây”

Hoshi no koe

Nghe nói đến Hoshi no koe (tiếng Anh dịch là Voices of a Distant Star) lâu lắm rồi mà hôm nay mới xem. Phim chỉ có 25 phút thôi, là một trong những phim ngắn đầu của Shinkai Makoto (sau She and her cat – Kanojo to kanojo no neko), nhưng khi xem vô cùng cảm động. Sau này 5cm/s cũng lấy một số ý tưởng từ Hoshi no koe và phát triển thêm.

Mikako và Noboru vốn học chung cấp 2 với nhau và đã có thể cùng học chung cấp 3, nhưng Mikako vì học giỏi và lại giỏi thể thao, đã được chọn tham gia phi hành đoàn của Liên hiệp quốc đi khám phá vũ trụ. Dù ở vũ trụ người ta vẫn có thể nhắn tin cho người ở Trái Đất, nhưng càng đi xa Trái Đất, tin nhắn sẽ càng lâu mới đến. Một năm ánh sáng xa Trái Đất, nghĩa là một năm sau tin nhắn gửi từ điểm không gian đó mới đến được người nhận. Và như thế nghĩa là, nếu Mikako đã xa Trái Đất 8 năm ánh sáng, thì 8 năm sau tin nhắn mới đến được với Noboru. Thế nghĩa là Mikako 15 tuổi sẽ gửi, và Noboru phải đến 24 tuổi mới nhận được. Đọc tiếp ““Mình vẫn ở đây””

%d người thích bài này: