Chọn ngày hôm nay

Sau gần 10 năm mình gặp lại bạn. Lần cuối xem phim bạn đóng là All Around Appraiser Q: Mona Lisa Eyes. Gần đây tự nhiên lại nhớ đến nụ cười của bạn dù chẳng xem mấy phim của bạn đâu, thế là hớn hở đi lục lọi tùm lum phim xem.

Với một phim có đề tài u ám như Perfect World, rất bất ngờ khi được xem bạn cười khá nhiều *tim bay vèo vèo*

“Trước khi gặp cậu, mình đã chấp nhận thực trạng mới. Sau khi gặp cậu, tự dưng ước được quay lại ngày xưa,
còn đi lại được trên hai chân, thế thì sẽ cùng cậu ngắm được nhiều cảnh đẹp lắm”.

Perfect World là phim truyền hình dựa manga cùng tên, kể về Ayukawa Itsuki và Kawana Tsugumi, hai người bạn cùng lớp thời cấp 3 sau nhiều năm gặp lại. Itsuki do tai nạn bị chấn thương tủy sống nặng nên đã liệt chi dưới (mất cảm giác từ hông trở xuống). Tuy phải ngồi xe lăn, Itsuki vẫn lạc quan sống và trở thành một kiến trúc sư thành công, còn Tsugumi vẫn chưa dám theo đuổi ước mơ thiết kế nội thất. Phim là hành trình cả hai cùng đối mặt với những trở ngại trong mối quan hệ của người không khuyết tật và khuyết tật để đến với nhau.

Mình rất trân trọng phim (manga?) khi không ngại ngần đưa ra những vấn đề người chấn thương tủy sống như Itsuki hay gặp phải trong cuộc sống hằng ngày (tùy mức độ/vị trí) như không thể kiểm soát tiểu tiện, đại tiện, lở loét dẫn đến nhiễm trùng huyết – những chi tiết không có gì là lãng mạn và có khi sẽ khiến khán giả thấy rùng rợn. Nhưng đó là thực tế của bệnh, và bất kỳ ai muốn yêu một người khuyết tật như thế cũng sẽ phải đối đầu với thực trạng này mỗi ngày, cho tới khi người bệnh qua đời.

Tựa bài lấy ý tưởng từ câu chuyện vợ chồng Takagi, anh chủ nhà hàng muốn nhờ Itsuki xây nhà mới vì nhà cũ không tiện cho người dùng xe lăn (vợ anh). Cũng như Itsuki, vợ anh bị bệnh dẫn đến liệt bán thân dưới (căn bệnh phim không nêu tên nhưng mình đoán là một dạng bệnh tự miễn như ALS, đa xơ cứng, v.v); khác với Itsuki, bệnh của vợ anh là bệnh thoái hóa (khi bệnh sẽ ngày càng nặng) nên khả năng rất cao tương lai chị sẽ không còn cử động được (chứ không chỉ liệt riêng phần thân dưới). Và đây cũng là một trong những đoạn mình thích nhất phim, khi anh chọn sống cho ngày hôm nay. Dù mai sau chị có ra sao, anh sẽ không sống vì một tương lai nào đó vô định. Hôm nay chị còn khỏe, còn có thể cười nói ăn uống, có thể dùng xe lăn di chuyển, thì anh sẽ tiếp tục trân trọng những giây phút khỏe mạnh. Anh sẽ không vì tương lai có-lẽ chị sẽ liệt giường, mà dẹp bỏ ước mơ xây nhà cho chị, ước mơ mở nhà hàng riêng của bản thân.

Chẳng ai biết tương lai sẽ ra sao. Có thể hôm nay ta đang khỏe mạnh, ngày mai đã không còn. Hôm nay đang chạy trên sân chơi bóng rổ, ngày mai sẽ… chơi bóng rổ bằng xe lăn. Nghĩ đến tương lai là điều khôn ngoan, nhưng phải chăng có khi ta nên sống cho hiện tại nhiều hơn một chút?

“Chỉ tình yêu thôi chẳng bao giờ đủ”.

Phim khắc họa những trở ngại của Itsuki và Tsugumi khá tốt, từ bệnh tình của Itsuki dẫn đến e ngại, hiểu lầm, đến việc gia đình Tsugumi không chấp nhận cho con yêu người khuyết tật vì “có ai muốn con mình phải khổ đâu?” Và không chỉ người ngoài cuộc, những người trong cuộc cũng có khổ tâm riêng: người không khuyết tật sẽ phải chăm sóc cho bạn đời mình, gánh nặng cả thể chất lẫn tinh thần ngày qua ngày có thể đến lúc không còn chịu được nữa. Ngược lại người khuyết tật tự ti mang cảm giác tội lỗi, nghĩ rằng sự tồn tại của mình chỉ khiến bạn đời mình khổ sở thêm.

“Vất đi thì lại là xả rác à?” Tính quăng nhẫn xuống biển mà người ưa theo luật lệ lại sợ ô nhiễm biển vậy đó =))))))))))

Tiếc rằng đoạn giữa phim hơi bị lê thê khi hai anh chị cứ dùng dằng chia tay hay ở lại, cộng thêm những người thứ ba xen vào khiến mình có cảm giác mệt mỏi (ngược lại mình chưa bao giờ thấy mệt khi phim miêu tả khía cạnh bệnh tật/gia đình là trở ngại trong mối quan hệ, vì đó là những vấn đề rất thật). May thay hầu hết những người thứ ba (trừ chị y tá, mà nhân vật này cũng có động cơ dễ hiểu và logic, dù mình không ưa chị) đều rất dễ thương, từ người yêu cũ của Itsuki động viên Tsugumi “đừng bỏ cuộc như mình đã từng bỏ cậu ấy”, tới Hiro lớn lên cùng Tsugumi, luôn chăm sóc quan tâm ủng hộ cô, quyết liệt giành giật cô nhưng không bao giờ chơi xấu nha xD

Tựu chung lại là rất trân trọng phim đã cố gắng lột tả cuộc sống hằng ngày của những người chấn thương tủy sống và những khó khăn họ gặp phải, các diễn viên đều đóng tròn vai và tuyến nhân vật phụ được xây dựng khá chỉn chu, nhưng phần giữa phim khá lê thê và mạch phim chưa được mượt, cộng thêm nhiều bài diễn văn “tôi đã học được bài học XYZ” các bạn Nhật Bổn hay chuộng nên chưa thể gọi là phim rất hay. Thôi thì cho một phiếu khuyến khích bé ngoan xD

Kết lại với đoạn thoại mình thích nhất phim, khi Miki – người yêu cũ của Itsuki, đã chia tay anh sau khi anh gặp tai nạn dẫn đến chấn thương tủy sống – kể cho Tsugumi nghe những nỗi khổ tâm của mình:

– Cũng như gia đình cậu, cha mẹ mình phản đối không cho mình tiếp tục mối quan hệ sau khi cậu ấy gặp tai nạn.
– Vậy sao cậu không giải thích với cậu ấy?
– Có ích lợi gì đâu? Vì chính mình là người đưa ra quyết định cuối cùng bỏ cậu ấy.

Bởi, thế kỷ nào rồi, chúng ta hãy sống có trách nhiệm chút, đừng hở tí thì đổ tại cha mẹ/gia đình/xã hội blah blah he!

Chuyện đúng, chuyện sai

Tựa đề bài lấy từ một câu rất hay của Kase (ảnh nói nhiều câu hay ho lắm): Công lý của người này là tội ác với người khác.

Saiai được tả là một phim “lãng mạn hồi hộp”. Rốt cuộc yếu tố phá án không phải là tâm điểm, yếu tố lãng mạn cũng khá ít ỏi (tuy nói vậy nhưng lãng mạn đôi khi ít lại là nhiều, vì khi hai người yêu nhau không ở có nhiều khoảnh khắc bên nhau, họ / người xem sẽ vô cùng trân trọng những khoảnh khắc ít ỏi đó :D). Về mặt “vụ án”, hung thủ là ai không phải là điểm nhấn của phim, có lẽ vì ngay ban đầu người xem đã muốn thông cảm với hung thủ hơn với nạn nhân (ít ra là nạn nhân đầu tiên). Cho nên phim có một chút lãng mạn, một chút phá án, dăm ba âm mưu kinh doanh thương nghiệp nhưng không nghiêng hẳn về khoản nào.

Mình thích nhất và cảm thấy Saiai cuốn hút nhất ở khoản lãng mạn (chủ yếu vì Yuriko và Matsushita Kouhei rất đẹp đôi và diễn ăn ý), nhưng vì thích nên chấp nhận bỏ qua vô số cái vô lý trong cuộc tình của hai nhân vật chính. Thanh mai trúc mã với một cuộc tình rất trong trẻo, Rio và Daiki xa nhau khi ngôi làng của họ đột nhiên có người mất tích, cha của Rio đột tử vài ngày sau đó, và Rio chuyển đến Tokyo học đại học cũng như theo đuổi ước mơ phát minh ra thuốc trị chứng rối loạn trí nhớ của em cô. 15 năm sau, Daiki là cảnh sát ở Tokyo, Rio là CEO của công ty gia đình, vụ án ngày xưa bị khơi lại khi thi thể người mất tích được tìm thấy. Mình đã hi vọng phim sẽ tạo ra mâu thuẫn nhiều hơn giữa Rio và Daiki khi 15 năm sau, một người là cảnh sát còn người kia là nghi phạm. Vậy mà không, chỉ sau dăm ba lần hàn huyên dăm ba câu chuyện xưa, họ đã cư xử y như xưa, như chưa từng có 15 năm xa nhau và một án mạng chia cách họ.

15 năm, là phân nửa cuộc đời của cả hai. Nếu không có vụ án, họ có bao giờ tìm lại nhau? Tại sao không? Nếu đã không cảm thấy cần tìm nhau, thì tại sao ngay từ khi vừa gặp mặt đã nối lại tình xưa như chưa có gì xảy ra?

Bỏ qua được cái vướng mắc đó, 15 năm qua anh làm gì em làm gì ta yêu ai, thì có thể sẽ thấy mối tình của hai bạn cũng dễ thương (như mình chẳng hạn :P) Khi Rio (và sau đó là Daiki) chuyển về nói giọng Hida (giọng địa phương bao gồm vùng Shirakawa) là khoảnh khắc cả hai rũ bỏ hết những nghi hoặc về người kia để quay về với Rio và Daiki của thời niên thiếu. Sau này, dù cả hai đã ở Tokyo từ rất lâu, họ tiếp tục chỉ nói chuyện với nhau bằng giọng Hida như thể nhắn nhủ rằng, tình cảm ngày xưa chưa bao giờ thay đổi, và họ tin nhau. Mình tìm hiểu thì được biết cả Yuriko và Kouhei đều là người Tokyo nên đều phải luyện giọng Hida, không biết nói có đúng giọng Hida thật không nhưng dù sao cũng khen phim có tâm (ai như nhiều phim Việt người miền Nam nói giọng Hà Nội còn người Trung nói giọng miền Tây trời ơi nó tức!)

Rất thích những đoạn hai bạn ngồi ăn chung (hầu hết các cảnh bên nhau đều là khi ăn tối, cũng dễ hiểu vì cảnh sát cao cấp / CEO thì làm gì có giờ đi hẹn hò xem phim ăn kem đồ như chúng ta :))), các cảnh quay tuy đều ở quán ăn hoặc ở trong nhà nhưng vẫn lãng mạn theo kiểu nhỏ bé ấm áp, không cần quay ở những chỗ phong cảnh hùng vĩ :D) Khi ăn chung cũng là khi họ hàn gắn bằng ký ức của những năm tháng vô lo ở Shirakawa, không gian “trong nhà” như thế cũng hợp với hai người đã quen nhau từ thuở niên thiếu, mối tình của họ không nhiều e ấp ngại ngùng mà tạo cảm giác ấm áp thân quen, như kiểu người nhà hơn người yêu 😀

Về khía cạnh gia đình, mình lại nghĩ đây là khoản phim làm thành công nhất (cho dù vẫn hơi lộn xộn). Gia đình, không cần là ruột thịt máu mủ, chỉ cần quan tâm nhau, đồng hành cùng nhau. Cho dù là ruột thịt, vẫn có thể xa nhau vạn dặm dù ở cạnh nhau mỗi ngày. Không phải tình cờ mà phim xây dựng cho Rio – Yuu có mối quan hệ khăng khít dù là chị em cùng cha khác mẹ, khi cả hai lớn lên trong tình thương của cha, còn Masanobu có lẽ chưa bao giờ được mẹ quan tâm chăm sóc, khi bà luôn tự nhận mình “chẳng biết làm một người mẹ”. Và người “không máu mủ vẫn là người thân” nhất, không ai khác ngoài luật sư Kase. Vừa thay thế cho cha, vừa cho anh, Kase là chỗ dựa vững chắc nhất của Rio – và sau này của cả gia đình Sanada. Thầm lặng, vững vàng, chỉ tiếc anh không có nhiều khoảnh khắc yếu đuối, giận dữ, nên nhân vật của anh không được “người” lắm. Giá mà phim cho Kase hẳn một tập để giải thích về quá khứ khi anh đến với gia đình Sanada, có lẽ mối quan hệ của Kase với nhà Sanada sẽ tạo ấn tượng hơn xuyên suốt phim – thay vì phải chờ đến những tập cuối.

Quan hệ của anh với Rio – cũng như của Yuu với chị mình – trong veo, có thể vì vậy mà mình không có ấn tượng mạnh về hai mối quan hệ này. Ngược lại, mình lại rất thích cách xây dựng mối quan hệ của mẹ và Rio – một người mẹ thường xuyên vắng mặt, chẳng biết “làm một người mẹ”, nhưng vẫn cố gắng giúp con đạt được ước mơ, thậm chí không ngại hi sinh bản thân. Nếu cha Rio là một người cha mẫu mực đơn thuần, yêu thương, chăm sóc con cái tha thiết, thì mẹ Rio cũng đã cố gắng yêu con hết mức, theo cách riêng của bà, theo cách duy nhất mà bà biết. Ngay cả người anh của Rio, vốn là nhân vật không đóng vai trò quan trọng trong phim, cũng được xây dựng chỉn chu. Muốn được sống với cha nhưng bị gia đình mẹ bắt ở lại vì là con trai duy nhất, khi đón em gái về rồi, mẹ lại chuyển hết niềm tin yêu hi vọng sang em, nên luôn mặc cảm mình là kẻ thừa thãi dẫn đến thái độ và cách hành xử muốn tát cho vài bạt tai :))

Thêm một điểm nữa mình thích ở phim là các nhân vật (có lẽ trừ nạn nhân đầu tiên) đều có một câu chuyện khá hoàn chỉnh, không ai tốt cũng chẳng ai xấu, họ đều có những nguyên do đưa đẩy, khiến họ có những bí mật cần giữ, làm những điều hoặc phạm pháp hoặc trái với lương tâm. Nếu Rio “may mắn” đêm hôm đó không bị xâm phạm nên có thể tiếp tục sống vì ước mơ chữa bệnh cho em, thì lại có những người đáng thương hơn, chẳng bao giờ có thể quay lại cuộc sống bình thường khi họ chỉ khát khao được lắng nghe, được một lần vạch trần “việc xấu” vì ngày xưa đã bất lực nhìn cuộc đời mình bị hủy hoại (mà không có công lý nào đứng lên bảo vệ họ).

Và nhân vật mình thích nhất, Daiki, là một nhân vật đơn giản (chắc có thể gọi là “không có chiều sâu”?) nhưng xuất hiện ở cảnh nào là thấy ấm áp cảnh đó. Chân thành và thẳng thắn, hay xấu hổ, rất dễ thương khi nhường gối cho người yêu ngồi hoặc khi ra tay can thiệp không để các bạn nữ uống rượu quá chén :))))

Và vì đơn giản nên mình nghĩ Daiki biết đâu là điều quan trọng nhất với bản thân – là bảo vệ cho Rio, chứ không phải công lý, nên không mắc phải sự cứng nhắc nhiều nhân vật cảnh sát hay mắc phải. Phim rất ít khai thác sự dằn vặt của Daiki cho nên luôn để anh nhận rằng mình là “người đơn giản”, thế là xong chuyện :)))) Về mặt này nếu khai thác được thì sẽ là một phim hay hơn nhiều về tâm lý của những người trong ngành, nhưng thôi, chúng ta (mình) hãy hài lòng khi Saiai tự nhận là một phim tình cảm, và là phim tình cảm khá ngọt ngào :))

Kết bài với cảnh này, một cảnh có chi tiết nhỏ nhỏ (ở dưới caption) mà mình rất thích 😀

Bình thường Azusa gọi Kase là cậu Kase (Kase-kun), nhưng khi gửi gắm hai con cho anh thì chuyển sang thành anh Kase 😀 (Kase-san)

Saiai đã có trên Netflix, ngoài ra có Vietsub của Futari, và Engsub của Kaizen.

Mấy mùa hoa muộn

Dù có những điểm vô lý đến đáng hờn, First Love vẫn là một bộ phim thật đẹp.

Một tình yêu qua nỗi nhớ.

(Có lẽ phim đạt kỷ lục thời gian nam nữ chính (ít nhất là phiên bản trưởng thành) ở bên nhau ít nhất trong những phim lãng mạn mình từng xem).

Đọc tiếp “Mấy mùa hoa muộn”

Đã xưa chưa cũ

Nhiều khi mình chỉ nhớ natsukashii, không nhớ nostalgia. Chắc vì người Nhật hay hoài niệm những điều xưa xưa, xem phim hay nghe nhạc rất hay nghe natsukashiiiii, nên có những cái bị xem là khủng long tuyệt chủng với cả thế giới mà người Nhật nhiều khi vẫn bấu víu không chịu rời.

(Ví dụ như là máy fax =)))

Đọc tiếp “Đã xưa chưa cũ”

Mùa đông vẫn phải vất rác!

Cốt truyện chính của Sakamoto Yuuji nói thật chưa bao giờ thuyết phục được mình (dù là Soredemo ikite yuku đi nữa, phim đó thích quá nửa là nhờ Mitsushima Hikari và Eita). Quartet cũng vậy, từng câu chuyện đời cô Lựu của mỗi người dù có cảm động có làm mình ngậm ngùi đôi chút, vẫn không đặc biệt mấy so với nhiều drama Nhật khác. Nhưng những câu chuyện nho nhỏ, chi tiết nho nhỏ của ổng thì phải nói là vô cùng dễ thương khó ai sánh bằng. Chỉ cần những đoạn bốn người họ hằng ngày chà răng, đi làm, ăn tối, đàn địch trước khi đi ngủ, và đi ngủ đã làm mình phải lưu phim lại trong ổ cứng bảo quản vĩnh viễn (cho tới khi hư ổ cứng) rồi đó 😀

Đọc tiếp “Mùa đông vẫn phải vất rác!”
%d người thích bài này: