
– Jung-hee, nhà cậu ở đâu đấy?
– Bí mật!
Nhà cô ấy ở đâu? Ở đây thì sao, ở chỗ khác thì sao? Rốt cuộc cũng chỉ có căn gác nhỏ, cô say ngủ suốt hết cả ban ngày khi người người rộn rã bắt đầu một ngày mới. Rồi đến chiều tối khi ngoài kia tan sở, cô mới thức dậy dọn dẹp chuẩn bị cho một buổi tối cười cười nói nói (mà trong lòng nhói nhói), say xỉn hết biết (chắc để bớt nghĩ đến chuyện đốt chùa người yêu cũ) rồi lại bước ra khỏi quán để quay “về nhà”.
Chưa gặp phim nào khác có chi tiết kiểu tương tự, nhưng khi xem cảnh này, mình đã phải lòng phim và phải lòng câu chuyện của Jung-hee cái rụp. Một nhân vật phụ, nhưng câu chuyện của cô là ví dụ điển hình cho điều đáng quý nhất của My Ahjussi – những câu chuyện về cuộc sống chân thực, không màu mè cũng không cường điệu. Những ngưỡng khổ đau ai cũng phải trải qua, quá khứ ai cũng phải đối diện. Cuộc đời ít khi được như ý, nhưng rồi thì sao?

Người phụ nữ xinh đẹp đeo túi hàng hiệu mang hộp quẹt lên chùa của anh người thương năm xưa dọa đốt chùa, rồi rốt cuộc cũng đâu thể thuyết phục anh ta quay về với cuộc sống trần gian? Nhưng lòng cô, có lẽ đã nhẹ đi được vài gánh.

Và còn hai nhân vật chính? “Tôi muốn mối quan hệ của chúng ta sau này… khi không còn gặp nhau nữa, tôi mong rằng lúc mẹ tôi mất, cô sẽ đến dự đám tang. Khi bà cô mất, tôi cũng sẽ đến dự đám tang.”

Hai người xa lạ đến với nhau trong lúc cùng quẫn, dựa vào nhau để tiếp tục sống. Thứ tình cảm mơ hồ không cần định nghĩa đặt tên, cũng đẹp nhất khi mơ mơ hồ hồ. Cô gái nhỏ ngưỡng vọng hướng về người đàn ông trưởng thành chín chắn, đau khổ dồn nén hết vào lòng để lo cho gia đình, cho công việc. Người đàn ông đó chẳng thể tâm sự cùng ai, cảm thấy chỉ có cô gái xa lạ có thể cùng mình trải lòng. Chút quyến luyến, rung động, tôn trọng lẫn nhau, tình cảm nào đâu có lỗi gì?
(Tình cảm không có lỗi nhưng hành động thì có, nên chúng ta hãy cố gắng phân biệt hai khái niệm này đừng lập lờ mập mờ nhầm lẫn nhá!)
Dù cho đôi lúc có hơi kịch tính cùng những màn đấu đá xiên xẹo vẹo lưng đến khó tin trong công ty (thôi bỏ qua đi), phim vẫn đọng lại những kỷ niệm thật đẹp khi gia đình Park Dong-hoon quây quần bên nhau, đánh nhau rồi ủi an nhau, khi những người đang xuống dốc – ở một xã hội luôn đòi hỏi người ta phải đi lên – tìm được những niềm vui nhỏ bé ở quán bar Jung-hee, khu họp mặt giải trí kiêm luôn phòng cố vấn tình cảm, giải quyết hiềm khích, một nơi hiếm hoi có những người hàng xóm – ở thế kỷ 21 – vẫn còn muốn tụ tập với nhau.

Và dù khúc giữa nhiều lúc hơi cao trào, hơi đày đọa nhân vật quá tay, thì kết thúc của phim lại quá hay quá hợp tình hợp lý quá đáng vỗ tay bis bis. Mọi chuyện kết thúc như những câu chuyện bình thường của gia đình ta, hàng xóm ta, của hot girl nào đó bỗng-dưng-rớt-bịch vào đời ta (rồi chạy ra ngay tắp lự). Ngay cả ông anh suốt phim khốn khổ vô tích sự cũng có cái kết thúc rạng ngời – khi ổng cuối cùng cũng làm được một việc thiện vô cùng ý nghĩa trong 50 năm cuộc đời. Và đống tiền ổng giấu dưới chiếu (mà ai cũng biết nhưng vờ làm ngơ) cuối cùng cũng làm mình phải vừa cười vừa sụt sùi rớt nước mũi, tự hỏi sao anh/chị nào viết kịch bản làm một cú ngoạn mục hay dễ sợ vậy 😀

Dù không thể cùng nhau tiếp tục đi trọn cuộc đời, con đường ta đã cùng bước đi năm nao cũng sẽ để lại những dấu chân song hành đó. Nhìn lại con đường cùng nhau đi qua và mỉm cười (và có tài liệu để viết kịch bản phim) có lẽ đã là hạnh phúc rồi.
Phim mình xem trên Netflix 😀