
– Bố ơi, sao gà trống lại bị mang sang bên kia để “xử lý”?
– Vì gà trống thịt không ngon, mà lại không đẻ trứng được.
– … *thằng bé gật gật*
– Vậy nên bố con mình phải cẩn thận thì hơn.
Ngoài đoạn hội thoại mang hơi hướm nữ quyền 2021 hơn là những năm 1980, mình thích nhất ở Minari ở phần kịch bản – vì phim kể câu chuyện đạo diễn muốn kể, chứ không phải câu chuyện người khác (như mình chẳng hạn) muốn/nghĩ nó phải kể.
Trên thế giới có bao nhiêu triệu người không sống trên quê hương của họ. Những nước có nền kinh tế tương đối vững chắc, được xem là “mơ ước” của nhiều người xa xứ lập nghiệp như nhiều nước Âu Mỹ, lại càng đông dân nhập cư. Và đối với hàng triệu người đó, có những điều đa số mọi người nhập cư đều phải trải qua.
Nhưng không vì thế mà câu chuyện của ai cũng giống ai. Không phải mọi người nhập cư đều phải hứng chịu kỳ thị (ít nhất là kỳ thị ra mặt :D), khinh thường từ phía người bản xứ – và dù có, có người bị ít, người nhiều, có những người bị ảnh hưởng nặng nề vì kỳ thị, còn số còn lại chỉ nhún vai cho qua vì nó không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ quá nhiều. Không phải gia đình nhập cư nào cũng bất hòa vì kỳ vọng của cha mẹ một đằng mong muốn của các con một nẻo. Không phải ai cũng gặp khó khăn trong việc dạy dỗ con cái vì cách biệt ngôn ngữ (dù ngôn ngữ nhiều khi là rào cản nhưng mình thấy rào cản lớn hơn là cách biệt thế hệ và văn hóa).
Và vì thế, phim có người nhập cư không có nghĩa là phim phải miêu tả tất cả – hay bất cứ – điều nào trong những điểm kể trên. Đó là Minari. Phần lớn kể qua góc nhìn của cậu bé David khoảng 5, 6 tuổi, phim là câu chuyện mà đạo diễn phim Isaac Chung muốn kể, vì dù bao nhiêu phần là thực còn bao nhiêu hư cấu, câu chuyện của gia đình David cũng phần nào dựa vào cuộc đời của anh – sinh ra trong một gia đình Hàn Quốc ở Mỹ, lớn lên ở miền quê Arkansas, nơi chẳng có bao nhiêu người không phải là người Mỹ da trắng sinh sống.
Với một bối cảnh như thế, người xem (hay chỉ có mình nhỉ?) nghĩ (sợ) phim sẽ có nhiều chi tiết dở khóc dở cười thường thấy ở các phim miêu tả người nhập cư – kỳ thị chủng tộc, khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, v.v. và v.v. Nhưng không. Minari không có kỳ thị chủng tộc văn hóa nào hết, người Mỹ bản xứ đều đối xử rất tử tế với gia đình David, và ngay cả khi những đứa trẻ da trắng khác nhận ra sự khác biệt giữa chúng và hai chị em David – Anne, những thắc mắc ngô nghê của chúng, “Sao mặt mày lại bẹt bẹt vậy?” (ý nói người châu Á không có mũi cao mắt sâu :))) là thắc mắc vì không biết, chứ không phải vì kỳ thị. Và sau khi nhận ra những khác biệt đó, cậu bé hỏi câu hỏi trên vui vẻ mời David đến nhà ăn tối, ngủ lại qua đêm, rồi hai đứa trẻ trở thành bạn như bao đứa trẻ khác. Tương tự, những người lớn bản xứ trong vùng khá hiếu kỳ khi gia đình David xuất hiện lần đầu ở nhà thờ, nhưng là hiếu kỳ rất tự nhiên như khi người Việt thấy người da đen hay da trắng khác lần đầu tiên trong đời, chứ không phải phân biệt ác ý.
Thế nên, mình nghĩ Minari là câu chuyện của một gia đình là người nhập cư, nhưng nó hoàn toàn không phải là câu chuyện về người nhập cư. Nếu đổi lại gia đình David không phải người Hàn Quốc mà là người da đen, da trắng, da đỏ gì đó, phần còn lại của câu chuyện cũng không có gì quá khác. Một gia đình không thể – hay không cam lòng – trụ lại ở thành phố, sống qua ngày làm những việc nhàm chán như xác định giới tính gà (giờ mới biết đó là một nghề hẳn hòi :O), quyết định đi tìm kiếm tương lai ở một vùng quê có vẻ dễ kiếm sống hơn. Là ước vọng của cha, của “người đàn ông trong nhà”, muốn chứng tỏ bản thân cho con cái thấy mình có thể tự tạo ra thành công của riêng mình chứ không chỉ giỏi xác định giới tính gà. Là nỗi niềm đau đáu “làm gì cũng được, miễn gia đình có nhau” của mẹ. Là cô bé Anne, làm chị nên biết để ý chăm sóc em và quan tâm hỏi han mẹ khi bà ngoại bệnh. Là cậu bé David, hiếu động nhưng vẫn biết nghe lời, biết sợ không dám chạy nhảy quá đà vì cha mẹ dặn rằng em bị bệnh tim. Là người bà, dù không phải “là bà bình thường” vì không biết nấu ăn mà chỉ giỏi đánh bài, làm 10 việc hỏng 5 nhưng đôi khi vẫn là cầu nối giữa con và cháu. Và những người bản xứ, hiếu kỳ có, quái lạ có, nhưng đa phần đều có thiện chí muốn giúp đỡ gia đình chân ướt chân ráo mới chuyển đến vùng quê hẻo lánh của họ. Ở họ, ta nhìn thấy những người bình thường, họ không là những hình tượng “phá cách”, nhưng họ cũng không hề rập khuôn, không đại diện cho bất kỳ tuýp nhân vật nào mà khán giả đã xác định luôn trong đầu về “những người nhập cư” hay “những người da trắng”.
(Nói nhỏ là hồi còn đi thực tập, mình từng ở vùng hẻo lánh ở bang New York hơn một tháng – không phải New York City nha các bạn, ngoài New York City ra thì các vùng còn lại của bang New York khá là vùng sâu vùng xa đó. Hẻo lánh tới nỗi khu mình ở nhiều người Amish, họ từ chối dùng những phát minh thời hiện đại nên chạy xe ngựa chứ không chạy xe hơi nha, ta nói chứ hồi lái xe hơi cạnh xe ngựa của họ phải tự nhéo mình vì tưởng mình đang nằm mơ :)))) Ở đó mình là người châu Á duy nhất, mỗi ngày phải lái xe 20 phút đi mua cơm ở một tiệm cơm người Hoa cách đó mấy mươi km, những người vùng đó rất ít tiếp xúc với người không-phải-da-trắng như mình. Có thể họ dùng từ ngữ không được chuẩn xác – có một bạn gái (người địa phương) trong khoa của mình gọi anh da đen kia là “a colored guy”, thế là bạn bị thầy của mình chửi té tát vì thời nay dùng từ “colored” bị coi là kỳ thị :)))) Nhưng mình thấy có sao đâu, bạn gái đó rất dễ thương, rất tốt với mình, chỉ là bạn ấy không biết nên không đáng trách. Thế nên khi xem phim mình cũng không ngạc nhiên lắm, và phải công nhận thời gian mình ở vùng sâu vùng xa ở Mỹ chưa bao giờ bị kỳ thị hay coi thường.)
Phim quay dễ chịu, nhịp độ vừa phải (không hề chậm :3), dù không có cảnh nào mình thấy là xuất sắc và nhớ mãi, nhưng không có gì khiến mình phàn nàn. Có thể với nhiều người, câu chuyện quá nhàm chán (dù nó vẫn có bi kịch chút chút) và không mang đủ tính xã hội (không lên án, không ca ngợi, không đảng viên cũng không phản động :3), nhưng đó không phải là mục đích của đạo diễn. Dĩ nhiên không phải mọi người nhập cư đều có những trải nghiệm như gia đình David, gặp được những người bản xứ đầy thiện chí (đừng nói di cư sang một quốc gia khác, ở Việt Nam người thành phố vẫn kỳ thị người miền quê, người miền này vẫn kỳ thị người miền khác đó thôi :D). Và rất nhiều khả năng chính đạo diễn Lee đã từng trải qua những khó khăn như nhiều người nhập cư khác (kỳ thị chủng tộc chẳng hạn), nhưng đó không phải là phần câu chuyện mà anh muốn kể.
Mục đích của đạo diễn là kể câu chuyện của anh, của gia đình anh chứ không phải của tầng lớp xã hội nào hay những người nào khác. Và mình trân trọng điều đó 😀
Ai ở Mỹ xin hãy bỏ ra chút tiền mua vé xem phim online ở A24. Phim cũng đang chiếu ở VN đó (nhờ các bạn trên FB còm nên mình mới biết 😀 😀 😀 ) Nếu không ở Mỹ/VN, hoặc đã qua thời gian A24 chiếu phim online/rạp chiếu phim ở VN, có thể xem online ở đây (nếu chỗ này die mà không tìm được chỗ khác thì liên lạc mình, mình tìm phụ cho 😀