Mỗi người một chuyện

Suy nghĩ đầu tiên khi xem được 10 phút đầu tiên của phim là, nghiện heroin thật đáng sợ.

Suy nghĩ cuối cùng khi xem hết phim lại biến thành, ai cũng có một câu chuyện.

Một tỷ phú, có. Một bác sĩ, có. Anh sinh viên “con ngoan trò giỏi” ngày ngày đi học tối về giúp bố mẹ bán quán, có. Và những người vô gia cư hay những kẻ nghiện ngập ngoài kia, đều có. Nghiện ngập thì nghiện ngập, cuộc đời của ai cũng là cả một câu chuyện dài. Dù nghiện ngập, họ vẫn có – hoặc từng có – ước mơ, gia đình, bạn bè, những người sẽ khóc thương khi họ mất đi. Nhưng dù có ước mơ, có gia đình, có bạn bè, vẫn không thể phủ nhận rằng hiện tại của họ, là vô gia cư, là những cơn say thuốc, là nhọc nhằn tìm kiếm những mạch máu còn chưa băng hoại để tiếp tục dùng thuốc.

Bối cảnh phim, Hồng Kông của thế kỷ 21, là những tương phản chóng mặt giữa giàu và nghèo, giữa đô thị tráng lệ và khu ổ chuột nhếch nhác (cũng không quá khác một vài thành phố lớn khác trên thế giới như Los Angeles, New York City) Bên này đường là những người vô gia cư – đa phần nghiện ngập – sống nay đây mai đó, bên kia đường là nhà cao tầng với các cửa kính sáng quá nhìn không ra của giới thượng lưu. Và ở những khu ổ chuột đó, có những thân phận trôi dạt lấy thùng giấy làm nhà, sống nhờ tiền trợ cấp ba cọc ba đồng của chính phủ.

Có đôi lúc, tưởng chừng như cuộc đời của họ sẽ khác đi. Và đôi khi hiếm hoi, có những cuộc đời may mắn thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn hết tiền – vô gia cư – nghiện ngập – hết tiền.

Có đôi lúc, ta gặp được một cá thể, một tâm hồn đồng điệu, một ai đó cần ta, kéo ta ra khỏi vũng bùn lầy ta nửa muốn thoát ra, nửa muốn ở lại, để cho cuộc sống cứ thế trôi đi không cần ngày mai.

Nhưng đến cuối, chẳng ai có thể cứu một-người-khác. Ta chẳng thể cứu được đời nhau. Chẳng có tình thương nào, cảm thông nào, có thể vớt lấy những thân phận ấy, nếu chính họ quyết định bỏ cuộc.

Phim không hề miêu tả những người vô gia cư ngoài kia chỉ đơn giản là nạn nhân của xã hội (dĩ nhiên, xã hội có khi góp phần đẩy họ đến những lựa chọn sai lầm), là những người đáng thương cần được cứu giúp. Không khóc lóc, không than vãn, không bi kịch hóa, phim chỉ miêu tả cuộc đời họ một cách chân thực và cảm thông. Họ vẫn có nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu, và có thể quá khứ đã đưa họ đến vực thẳm của cuộc đời, nhưng họ vẫn là những người có suy nghĩ, có tự chủ, và chỉ chính họ mới có thể quyết định được số phận của mình.

Một bộ phim ám ảnh, dù có cho tiền cũng không dám xem lần nữa. Dù không dám xem nữa, nhưng chắc sẽ chẳng bao giờ quên.

Thông tin phim / download phim

A Love Story

Một câu chuyện không mới. Trai gái nhà quê lên thành thị chân ướt chân ráo, đồng cảnh ngộ cùng nhau bươn chải, cô đơn nam nữ cô nam quả nữ gặp nhau không yêu nhau thì làm gì ta? Không lẽ làm bạn (?) Một câu chuyện tình dễ thương, trai gái vượt khó học giỏi (nói thiệt!), cộng thêm những góc phố, con hẻm Hồng Kông những năm 80 đem lại cảm giác vừa bồi hồi vừa ấm áp. Nhưng mình vẫn cay cú bị lừa vì cái tựa tiếng Anh, “almost a love story”. Almost hồi nào?!

Nghe tựa tiếng Anh Comrades: Almost a Love Story mình đã tưởng tượng ra những điều dang dở, nhưng bác đạo diễn tử tế quá (không ác như mình) nên kết phim chẳng còn gì dở dang (có khi vì vậy nên mình đã ước ao, mình đã khát khao một cái kết lửng, để còn được nuối tiếc sến súa). Bác đạo diễn còn cho hai anh chị làm người tốt, rất có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Làm chuyện bậy bạ thì phải trả giá nha tụi bay, trả xong cả vốn lẫn lời rồi hẵng nói! Ở khoản này thì phim rất là phim vì ngoài đời ít có những người có trách nhiệm vậy lắm (còn những gì chưa làm được, cuộc đời giúp luôn hai anh chị bùm chéo các mối quan hệ rùm beng khác để trọn vẹn một love story).

Xem Điềm Mật Mật, lại nghĩ tới những cục kẹo khác (có kẹo ngọt, có kẹo không). Như khúc Tiểu Quân đạp xe qua phố (tưởng chở gà mà thật ra chở rau!) áo trắng phấp phới, nhớ đến cảnh cuối Blue Gate Crossing khi Khắc Nhu nhìn Sĩ Hào đạp xe băng băng phía trước. Và khi Lý Kiều chạy khắp nơi, giữa dòng người xa lạ, tìm Tiểu Quân, lại nhớ 5cm/s và câu hát huyền thoại

Tôi mải miết tìm em, nơi chuyến tàu đối diện
Góc phố và con hẻm, dù biết chẳng phải em*

Trong lúc đó cô có biết đó là anh? Hay chỉ đuổi theo hình bóng anh? Nhưng vì đó chính là anh – một sự trùng hợp hơi mắc cười, nên mình chỉ suýt rớt nước mắt chứ chưa có rớt thiệt =))

Bonus thêm câu thoại khiến mình rúng động nhất phim: Mọi người ai cũng muốn đến Hồng Kông, còn người Hồng Kông chỉ muốn đi nơi khác.

Xem xong có cảm giác nghẹn ngào muốn đào hết phim của Trương Mạn Ngọc lên để xem. Ánh mắt đó, ngây thơ có, tình tứ có, đau khổ đong đầy rất đầy. Ngoài Châu Tấn ra chắc không còn nữ diễn viên Hoa ngữ nào khác khiến mình có cảm giác đó 😀 Còn Lê Minh vào vai chàng trai ngốc nghếch ngây thơ rất dễ thương, khiến ai (không phải mình) cũng muốn ôm vào lòng mà vỗ về. Gái tài, trai đẹp, cộng thêm nhiều cảnh phim dễ mến và cốt truyện có-trách-nhiệm, Điềm Mật Mật có vị ngọt ngào trọn vẹn rất xi-nê 😀 Nhưng dù có biết vậy vẫn phải thốt lên, ngọt quá :p

*Lời bài One More Time, One More Chance (Yamazaki Masayoshi), soundtrack của 5cm/s

Itsudemo sagashite iru yo
Dokka ni kimi no sugata wo
Mukai no hommu, rojiura no mado
Konna toko ni iru hazu mo nai no ni

Ăn uống đi dạo

Có khi nào bạn muốn đi đâu đó – bất cứ đâu, chỉ cần không phải là ở đây?

Chi tiết tôi nhớ nhất trong Revolutionary Road là khi April muốn đi Paris. Và khi người hàng xóm hỏi vì sao, Paris có gì mà ở đây không có đâu, April đã nói không cần là Paris. Chỉ cần không phải ở đây.

Đọc tiếp “Ăn uống đi dạo”

“Là một hợp đồng”

Nếu đã yêu nhau, thì lấy nhau hay không, có gì khác?
– Đó là một hợp đồng. Hợp đồng là mình sẽ không lang chạ với ai khác.
– Nhưng khối gì người có vợ có chồng mà vẫn đi lang chạ?
– ..
.

Quan hệ giả, nhưng hôn nhân trên giấy tờ là thật. Quan hệ thật, nhưng lại không thể kết hôn trên giấy tờ. My Prince Edward khéo léo đưa các nhân vật vào những hoàn cảnh chẳng đặng đừng, để hỏi “hôn nhân là gì, mà người ta cần đến vậy?” Và điểm mình thích nhất ở phim, là câu hỏi này được đặt vào bối cảnh đương thời của Hồng Kông – Trung Quốc đại lục, khi hôn nhân giả có vẻ là chuyện thường ngày ở huyện để người Đại lục có giấy tờ nhập cảnh vào HK, còn hôn nhân (thật) là thứ ai ai cũng chán ngán, nhưng rốt cuộc đều thi nhau đăng ký hợp đồng.

Vì sống độc thân lương ba cọc ba đồng cũng khó sống. Cuộc sống ở HK, dù là xứ tự do (ít ra là vào thời điểm phim đang quay) nhưng mọi thứ đắt đỏ, bất động sản giá cả trên trời, nên nếu có người nào đó tặng cho mình một nơi ở cũng-tạm, chắc là cũng đáng ký hợp đồng với anh ta cả đời…

Vì nhà ảnh có tiền mua căn chung cư mới! (người HK thật thà ghê ha o,o)

Vì đến tuổi xyz mà không lấy chồng thì sẽ có một bầy các mẹ các bà các dì các thím chạy theo hỏi mày bị sao thế? Hay là les?

Quá nhiều lý do như thế, nên dù ta có cắn có sủa nhau suốt ngày,
Dù ta có “ờ cũng thích” nhưng chẳng yêu nhau nhiều nhặn là bao,
Dù ta “yêu” người yêu như yêu con ki, hễ nó chạy đi đâu không nghe được tiếng lục lạc nữa là phải gào thét chạy đi tìm,

Dù vậy, thì chắc là ta vẫn sẽ ký hợp đồng cả đời với nhau.

Phim không quá hay nhưng chân thật không màu mè, các nhân vật thú vị (vì đứa nào cũng làm mình muốn đập cho nhiều phát) và có nhiều đoạn khá khủng khiếp làm mình không biết nên cười hay nên xỉu, kiểu như

– Chắc vợ anh sắp sinh con trai?
– Ủa sao cô biết? Đúng vậy!
– Vì chẳng ai phá thai khi đó là thai nam.

(Đây là đoạn cô nữ chính nói chuyện với anh chồng giả, anh chồng giả này từng bàn với cô bạn gái (thật) của anh ta nên giữ hay nên bỏ cái thai – nói chung là vụ sinh con ngoài giá thú gì đó ở Đại lục hình như bị cấm hay bị phạt tiền gì đó, mình không rõ. Bẵng đi một thời gian, nữ chính thấy anh chồng giả và bạn gái đã không phá thai, nên mới đưa ra suy luận chính xác như vậy :)))

Mình còn thích cách phim miêu tả cuộc sống tù túng của những người trẻ tuổi ở HK, khi đồng lương ít ỏi không đủ cho họ tự lập, mà sống với cha mẹ hay dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ thì ta sẽ chẳng bao giờ có thể trưởng thành. Khi nữ chính chỉ ước ao được thoát khỏi khu phố hiện tại, khu Prince Edward (tiếng Trung là 太子 – Thái Tử), thoát khỏi bà mẹ chồng suốt ngày ám ảnh, nhưng ngay cả anh chồng (thật) cô sắp ký hợp đồng cũng tên là… Edward. Nhìn tứ phương đều không có lối thoát, thập diện mai phục…

Túm lại là ai chưa kết hôn mà muốn đe nẹt cha má thì hãy cho cha má coi phim này (đùa đó đừng làm thật, mình không chịu trách nhiệm bạo lực gia đình), ai lập gia đình rồi muốn cho vợ/chồng mình thấy cái tờ giấy chúng ta ký với nhau, nếu không có/không còn tình cảm, cũng chỉ là một tờ hợp đồng mua xe mua heo mua gà bình thường, không hơn không kém thì hãy rủ nhau xem luôn cho vui (có vui hay không không dám hứa nha) :))))

Tóc em như làn khói

Tôi bị nghiện cà phê. Không có thì sao? Chẳng sao cả. Không nhức đầu, không buồn ngủ (thật ra uống vào cũng đâu có tỉnh ngủ hihi), làm việc bình thường. Nhưng, một buổi sáng không có cà phê là một buổi sáng chưa bao giờ bắt đầu. Một ngày không có cà phê là một ngày chưa trọn vẹn. Chỉ cần ngửi mùi cà phê, chưa cần uống, đã cảm thấy quen thuộc dịu dàng vây quanh. Sự phụ thuộc tâm lý không có, cũng không cần, lời giải thích. Cũng như nhiều người quen ăn cơm, việc dùng bữa cũng gọi là “ăn cơm” (dù bữa đó có thể ăn mì ăn bún vẫn gọi là “ăn cơm”), không có cơm thì sao? Chẳng sao cả, nhưng vẫn phải có.

Miso cũng vậy. Xuyên suốt câu chuyện tửng tửng buồn buồn rất thản nhiên theo phong cách đời-là-vậy, chẳng bao giờ có cảm giác cô là một con nghiện thuốc lá/rượu/người yêu theo nghĩa không có thì không sống được. Mà dù trải qua bao nhiêu đắng cay, bị đánh giá, khinh rẻ, cười cợt, vẫn chỉ thấy một người phụ nữ biết mình muốn gì, và (dù người khác có thấy cuộc sống đó bần hàn, điên rồ, dở dở ương ương) nhất quyết sống vì ba điều kể trên: thuốc lá/rượu/người yêu (theo thứ tự này nhé!)

Cũng muốn gạch “thuốc lá” với “rượu” cho nó bình thường xíu, mà lòng chỉ cho phép gạch “thuê nhà” thôi!

Giá thuê nhà tăng, giá thuốc lá cũng tăng, tiền thì không có nên phải chọn một trong hai. Dễ quá: thôi không cần thuê nhà nữa, bạn bè có vài đứa thể nào cũng có đứa cho mình ở đậu, nhưng không có thuốc lá thì không thể chấp nhận được! Toàn bộ câu chuyện xoay quanh sự lựa chọn giữa những cái xã hội cho là cần thiết, là tối thiểu – công việc và chỗ ở, và những cái với bản thân Miso mới là thiết yếu.

Câu chuyện của cô, không cần cảm thông. Như tôi, có muôn vàn câu hỏi, tại sao cô nấu ăn giỏi thế không đi làm nhà hàng mà lại đi dọn dẹp vệ sinh mướn? Tại sao cô và người yêu – dẫu yêu nhau là thế, không chung tiền vào ở chung một căn hộ, mà lại mỗi người ở một nơi để rồi huhu mùa đông lạnh quá, mình chờ đến mùa xuân ấm lên hẵng abc vậy… Và dĩ nhiên là câu hỏi bức bối bức xúc sôi sùng sục tôi – và hầu như tất cả những người bạn của cô – gào thét, muốn hỏi cô, “Vậy sao cô không bỏ quách thuốc lá/rượu/người yêu đi để mà sống cho ra con người?”

Bộ phim phản ánh thực trạng nghèo khó của những người ngoài lề xã hội ở Hàn Quốc ư? Ờ mây-bi. Nhưng hơn thế rất nhiều, phim chỉ là câu chuyện một cô gái lựa chọn cách sống khác với những người xã hội gọi là bình-thường. Cô có say rượu thì cũng chỉ ngà ngà chứ chẳng bao giờ đến mức mất kiểm soát; cô nghiện thuốc lá nhưng khi cần sẽ mua loại rẻ hơn, cũng không cần trộm cướp hay đi ăn xin để có thuốc hút. Nên nghiện thuốc lá và rượu cũng thế, mà nghiện mì hoằn thắn hay bánh canh cua cũng vậy. Đều là những thứ với người khác thì bỏ được, nhưng với ta là không thể.

Hồi đại học, có một người (từng là) bạn hỏi sao tôi không chịu đi ra ngoài hẹn hò tiệc tùng mà cứ suốt ngày ru rú trong xó nhà. Tôi có đang sống không? Tôi bảo, có chứ, nhưng không phải theo định nghĩa của cậu.

Kết quả thì sao?

Tôi đã tiễn người ấy ra khỏi đời mình với lời chúc phúc nhẹ nhàng súc tích đong đầy yêu thương, Bye bitch 🙂

Có thể bảo cô ngây thơ, bảo cô hoang đường khi mong đợi những người bạn – nhiều người ngày xưa chính cô đã từng giúp đỡ – có thể cho mình một mái nhà tạm thời. Nhưng niềm kỳ vọng của cô cũng nhẹ nhàng như cái cách cô đối diện với tình cảnh vô gia cư của mình vậy. Nhờ một chút, nhưng khi hiểu hoàn cảnh của từng người, cô nhẹ nhàng, thanh thản ngẩng cao đầu bỏ đi không oán trách, trước khi đi không quên dọn dẹp, lau chùi, nấu một bữa ăn chỉn chu cho những người đã cho mình ở nhờ dù một đêm hay cả con trăng. Bỏ đi nhưng không bao giờ quên để lại một lời cảm ơn. Đâu phải ta không muốn giúp nhau, nhưng mỗi người đều có cuộc sống riêng, có những khó khăn riêng – và niềm vui riêng chẳng thể nào chia sẻ.

Và nếu cuộc sống đã là của riêng mỗi người, chẳng ai sống được cho ai, thì lựa chọn cũng vậy. Và vì chẳng ai có thể đưa ra sự lựa chọn hộ người khác, nên lần sau hãy bớt trách cứ người ta “vì anh chọn abc nên cuộc sống anh nó mới def”, vì mình đâu phải là người ta, làm sao hiểu được? Miễn nói câu cảm thông sáo rỗng, vì không ở trong hoàn cảnh của họ chắc gì đã cảm thông được (bài này được thầy cô dạy rất kỹ ở trường :v) Chỉ cần bớt đánh giá, bớt bĩu môi, chịu khó tôn trọng lựa chọn của người khác là thấy đời bớt mệt rồi!

Biết đưa ra lựa chọn đã là khó. Biết kiên trì với quyết định lại là điều chẳng mấy ai làm được. Miễn sao không ảnh hưởng người thân, ảnh hưởng an ninh xã hội, ảnh hưởng kinh tế quốc gia thế giới toàn cầu v.v. và v.v., thì một người sống với quyết định của mình không chút oán thán đã là người sống cuộc sống chẳng có gì phải hối hận.

Microhabitat, đạo diễn Jeon Go-Woon (2017).

Trên mạng có stream phụ đề tiếng Việt; mình down trên avistaz và đã chia sẻ link down ở JPN hoặc ở đây :D.

%d người thích bài này: