Rồi cũng qua đi

Thuở nhỏ (thời U30 :D), xem Aruitemo, Aruitemo thấy cũng hay. Dù sao vẫn không thể so được với Wandafuru Raifu, với Maboroshi no hikari. Nói thích, thì lại thích Hana yori mo naho, Kiseki hơn. Gần đây xem Umi yori mo Mada Fukaku (After the storm), tự nhủ cũng thích hơn Aruitemo, Aruitemo.

Mua bản Criterion của Aruitemo từ lâu lắm rồi, chắc là khi ấn bản này mới ra lò. Nhiều năm sau, hôm kia hôm kìa, mới đem đĩa ra xem. Buổi tối ngồi xem trong thinh lặng, sững sờ tại sao phim hay quá mà mãi đến hôm nay mới nhận ra. Dù đã hăm dọa bác lâu đến thế, mỗi lần xem lại đều có những cảm xúc khác. (Cũng may thời U30 không viết bài bảo Aruitemo cũng thường thôi, để bây giờ phải đi xóa thủ tiêu chứng cứ :v)

vlcsnap-2019-06-11-18h16m08s976

Ba thế hệ, một gia đình chắp vá. Có ai không có những trăn trở chẳng nói nên lời? Những trăn trở quá thật, đến nỗi cảm thấy như từng câu thoại, từng ánh mắt thoáng qua, từng cử chỉ đều là của ông bà, cha mẹ, anh chị em mình, bản thân mình.Thật đến nỗi phim khiến ta nhói lòng, là nhói vì những đau buồn đã trải qua của bản thân, chứ không phải nhói hộ những nhân vật, những câu chuyện giả tưởng trong phim.

Cả gia đình có chung một nỗi đau mất đi người thân, nhưng riêng bà, có oán giận cái đêm cõng con đi tìm chồng lại nghe giọng ông vọng ra ở căn hộ của người đàn bà nào đó nên lầm lũi quay về. Khi ông ngâm nga câu hát ấy, với người đàn bà khác. Aruitemo, aruitemo.
Còn ông, khát khao được người người công nhận mình là một bác sĩ tận tụy với nghề, được mọi người (bao gồm con cái) kính trọng nể nang, mong ước có một người nối dõi nghề bác sĩ mà ông cho là cha truyền con nối – sau khi thế hệ bác sĩ thứ hai đã mất đi. Nhà là của ta xây mà, sao các người cứ gọi là “nhà của bà ngoại”?
Chị, là sự tị nạnh khi biết mẹ thương những người con trai trong nhà hơn, dù Về già thì phải sống với con gái chứ.
Và em, lúc nào cũng là người đi chậm vài bước, sống suốt đời dưới cái bóng quá lớn của người anh, đến độ Câu đó là con nói đó, chứ không phải anh Junpei đâu, chỉ để nhận cái phủi tay, Ai nói mà chẳng thế.

vlcsnap-2019-06-15-18h36m16s913.png

Và nếu đã là những con người thật, thì có ai là hoàn mỹ. Bà hẹp hòi ích kỷ, ngoài mặt tươi cười mà bên trong luôn phán xét cô con dâu mới cùng thằng cháu trai người dưng. Đon đả tiếp đãi, nhưng ngày giỗ năm nào cũng muốn tra tấn dày vò cậu bé năm xưa được con bà cứu – vì cứu cậu mà mất mạng, để cả cậu – và bà – không được quên rằng người con trai quá cố ấy đã từng hiện hữu.
Ai không có những nỗi niềm riêng chỉ giữ cho bản thân mình, ngay cả người trong gia đình thân thiết nhất cũng chẳng thể chạm đến. Yukari chồng chết chỉ mới ba năm đã tái giá, nhưng ai biết được mỗi đêm khi nhắm mắt, cô lại không nhớ ngày tháng êm đềm ở Karuizawa. Và cậu bé Atsushi, ngoài miệng bảo đã quên mất người cha quá cố ra sao, bảo mai mốt lớn muốn làm người lên dây đàn piano vì thích cô giáo dạy piano ở trường, nhưng trong lòng, hình ảnh cha cậu vẫn hiện hữu bên cậu mọi nơi mọi lúc.

Những điều quá quan trọng trong lòng như vậy, nói với người khác để làm gì? Tốt nhất là giữ riêng một góc trong lòng, để mình mình nhớ, mình thương, mình đau đáu.

Buồn nào rồi cũng phải đặt sang một bên để sống tiếp. Chồng mất, một mình nuôi con rồi đến lúc tái giá, phải cố gắng hòa thuận với gia đình chồng mới. Cha mất, trong lòng dù lúc nào cũng nhớ nhưng vẫn suy nghĩ xem sắp tới cha dượng sẽ trở thành một phần của mình như thế nào, qua miệng hay qua rốn :p Con chết rồi, là mẹ làm sao có thể sống tiếp? Nhưng hãy cứ sống, để năm nào cũng có thể dày vò cái đứa (dù vô tội) đã khiến con mình bỏ mạng, để nó không bao giờ được quên sự sống (thật vô tích sự!) của nó đã đánh đổi bằng cái chết của con trai mình. Chồng bội phản, rồi cũng sống với ông ấy đến bạc đầu, để sau khi lũ con cháu ồn ã quay về tổ ấm riêng của chúng, chỉ còn hai ông bà chậm chạp cùng nhau lê lết leo những bậc thang. Ông đi trước, bà đi sau. Lúc nào cũng vậy.

vlcsnap-2019-06-15-18h34m37s263.png

Lần xem này, nhận ra phim là câu chuyện của hai gia đình – trước đó là riêng biệt – với mất mát riêng của họ, nay hợp vào làm một. Thế là từ Aruitemo aruitemo, Koreeda đã luôn đặt ra câu hỏi gia đình là gì. Và có phải là ngẫu nhiên đâu, khi người ông trìu mến gọi thằng bé không máu mủ lại để dụ khị nó hay là mai mốt làm bác sĩ đi nhé, nghề tốt đấy! Nhẹ nhàng, đơn giản như dụ khị trẻ con ăn cơm. Còn bà, dù muốn dù không, mỗi năm phân nửa gia đình bà không muốn chấp nhận đó – giờ đã có thêm đứa cháu gái, của bà – vẫn đến viếng mộ bà, tắm mát cho mộ bà giữa trưa hè oi bức.

Và ắt hẳn lần xem sau, sẽ còn vui và còn buồn vì những điều xem lần thứ n mới nhận ra nữa 😀

Phim có phụ đề tiếng Việt ở JPN. Nếu link hỏng xin báo với mình để mình up lại 😀

*Những đoạn in nghiêng là trích các đoạn thoại trong phim.

3 Replies to “Rồi cũng qua đi”

  1. Cuộc sống vốn buồn HH nhỉ!

    Mất mát là tổn thương mà ai trong đời cũng trãi qua, thế nên loài người đã sống bằng nỗi nhớ khi qua 30 tuổi đấy HH. Aruitemo Aruitemo, cứ nhớ ngắc ngoải mà sống thôi.

    Năm mới chúc HH 1 năm mới sẽ thật vui để nhớ mãi về sau nhé 🙂

    Đã thích bởi 1 người

    1. Sống là mất mát, mà cũng là để nhận thêm (nếu sống chỉ có mất mát chắc mình không đủ can đảm sống tiếp quá :))), mong là sắp tới NH cũng sẽ nhận thêm nhiều hơn là mất đi 😀 Có mất, có thêm, nên cuộc sống (đa phần) thật là thi vị :))

      Đã thích bởi 1 người

  2. Thật sự hôm nay em cũng nói về phim này với bạn. Sau khi xem Parasite của Bong Joon Ho về. Aruitemo là bộ phim đầu tiên em nghĩ khi nói đến điện ảnh Nhật trong em, chứ không đơn thuần là phim của chú. Không hiểu sao em lại yêu nó đến vậy. Aruitemo và Love letter, một là tình đầu, một là tình cuối, không muốn quên mà cũng không thể quên ~

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này